Qua điều tra, Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản cho biết trong năm 2008, có tới 1.890 doanh nghiệp nước này bị phát hiện vi phạm quy định đối với tu nghiệp sinh nước ngoài, cao gấp 3,7 lần so với năm 2004.
Trong số các doanh nghiệp vi phạm, có 816 doanh nghiệp bị cảnh cáo vì bắt tu nghiệp sinh làm thêm giờ nhiều hơn so với quy định; 696 doanh nghiệp bị cảnh cáo vì không trả tiền công làm thêm giờ hoặc làm trong ngày nghỉ, ngày lễ; 182 doanh nghiệp trả lương cho tu nghiệp sinh thấp hơn so với mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.
Ai cũng muốn “được”... vi phạm!
Các cơ quan chức năng Nhật Bản cũng buộc tội các quan chức cấp cao của 36 doanh nghiệp do những vi phạm đặc biệt, cao hơn 2,6 lần so với năm 2007. Bộ Lao động- Y tế - Phúc lợi Nhật Bản dự kiến, sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn nhằm ngăn chặn tình trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp cố tình sử dụng tu nghiệp sinh nước ngoài như lực lượng lao động giá rẻ trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay.
Lẽ ra, đó phải là tin vui cho các tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Song, trên thực tế, hầu hết mọi tu nghiệp sinh đều lấy làm lo lắng nếu những quy định chặt chẽ của luật pháp Nhật Bản được thực thi.
Theo lời chị Nguyễn Thị Ngọc Tr., một tu nghiệp sinh đang làm việc tại Công ty Yokohama, tiền làm thêm giờ là một phần thu nhập quan trọng của các tu nghiệp sinh. Nếu cứ theo đúng số giờquy định của chính quyền Nhật Bản, thì năm đầu các tu nghiệp sinh chỉ được nhận phụ cấp tu nghiệp là 65.000 Yên/tháng (620 USD). Hai năm sau, khi chuyển sang chế độ thực tập nghề mặc dù tiền lương có cao hơn chút đỉnh, nhưng cũng chỉ khoảng trên 700 USD/tháng là cùng.
Trong khi đó, tiền làm thêm giờ thường dao động từ 300 - 500 USD/tháng, thậm chí còn cao hơn. Với mức giá sinh hoạt đắt đỏ như ở Nhật Bản, nếu không làm thêm giờ thì tu nghiệp sinh Việt Nam khó lòng tích lũy được một khoản tiền kha khá sau khi hoàn tất khóa tu nghiệp 3 năm.
Do đó, rất nhiều Tu nghiệp sinh đã gây sức ép với chủ nhà máy, yêu cầu bố trí làm thêm giờ ngay từ năm đầu, mặc dù luật pháp nước này không cho phép. Thời gian hai năm còn lại, hầu hết trong số họ cũng yêu cầu được bố trí làm thêm giờ càng nhiều càng tốt. Vì Tu nghiệp sinh làm thêm giờ, doanh nghiệp cũng có lợi,nên các chủ nhà máy đã... sẵn lòng bố trí, dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan.
Những hệ quả khó lường
Mặc dù mục đích chính của chương trình tu nghiệp sinh là đào tạo công nhân kỹ thuật để bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước; nhưng thực tế, một trong những mục đích chính mà các tu nghiệp sinh xác định khi sang Nhật Bản là để... kiếm tiền, cải thiện kinh tế.
Do đó, mặc dù vẫn biết pháp luật Nhật Bản rất nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm trong sử dụng lao động nước ngoài, nhưng phần lớn tu nghiệp sinh Việt Nam vẫn yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải “vượt rào” bố trí giờ làm thêm để tăng thu nhập. Đã từng có những cuộc tranh chấp căng thẳng xảy ra khi chủ doanh nghiệp không đáp ứng yêu sách không phù hợp luật pháp của tu nghiệp sinh.
Ông Trần Quốc Ninh, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, từng thừa nhận: “Một số tu nghiệp sinh nhận thức chưa đúng nên khi ra nước ngoài, họ tìm mọi cách, kể cả vi phạm hợp đồng để mong có thu nhập cao, kiếm tiền nhanh. Một số khác tìm cách ở lại sau khi hết hạn hợp đồng.
Bên cạnh đó, có nhiều cá nhân sống bất hợp pháp ở nước sở tại đã tìm cách dụ dỗ, lôi kéo lao động bỏ ra ngoài sống lưu vong để mong muốn tìm việc làm có thu nhập cao hơn. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ lệ tu nghiệp sinh Việt Nam vi phạm hợp đồng luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia tham gia chương trình này tại Nhật Bản từ nhiều năm qua”.
Nắm bắt được tâm lý của một bộ phận tu nghiệp sinh, một số chủ sử dụng lao động Nhật Bản đã lợi dụng biến họ thành lực lượng lao động giá rẻ, phải làm việc quá sức (200 giờ/tháng). Theo luật sư Shoichi Ibusuki, đại diện cho tu nghiệp sinh nước ngoài tại các vụ kiện, tình trạng làm việc quá sức của đối tượng này dễ bị pháp luật bỏ qua vì chủ sử dụng thường báo cáo sai lệch giờ làm việc của họ.
Trong vòng 17 năm qua, Việt Nam đã đưa khoảng 30.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Số tu nghiệp sinh được tiếp nhận trong thời gian tới có thể tăng cao.
Tuy nhiên, nếu cơ quan hữu trách không có những thay đổi trong công tác tuyển dụng, đào tạo, giáo dục, cùng với việc tăng cường phối hợp quản lý, bảo vệ quyền lợi cho họ trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, thì chất lượng và hiệu quả của chương trình này sẽ khó lòng được cải thiện.
Theo Thanh Niên
0 nhận xét:
Post a Comment