Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ xem xét, cho phép lĩnh vực nhà ở xã hội nói chung và dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam” được sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi.
TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, từ cuối năm 2014, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký danh mục dự án ODA, sử dụng nguồn tài trợ KOICA Hàn Quốc đối với dự án xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu chung đã đạt được và với mục tiêu tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị của Việt Nam, Bộ Xây dựng Việt Nam và Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng đề xuất Dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam” và đề nghị KOICA Hàn Quốc xem xét tài trợ.
Ngày 29/10/2014, Bộ Xây dựng nhận được công thư của KOICA Hàn Quốc thông báo rằng đề xuất dự án nêu trên đã được KOICA xếp hạng cao và sẽ được KOICA xem xét tài trợ trong tài khóa 2016.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa dự án nêu trên vào Danh mục dự án yêu cầu tài trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam.
Bộ Xây dựng cũng khẳng định, việc triển khai dự án này là rất cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, văn bản này chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận với lý do nhà ở xã hội không thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Ở một diễn biến có liên quan, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, lý giải lý do tiến độ xây dựng nhà ở xã hội diễn ra chậm chạp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là việc khó, cần sự vào cuộc của nhà nước, các doanh nghiệp và của xã hội của người dân.
"Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội thấy lợi nhuận thấp nên họ không mặn mà. Cho nên, nhà nước phải hỗ trợ về vốn, đất đai và tạo mọi thủ tục tốt nhất để cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, người mua nhà ở xã hội đa phần có thu nhập thấp nên rất khó có nguồn tài chính để tiếp cận nhà ở. Bởi vậy, họ cũng rất cần sự hỗ trợ của nhà nước-đặc biệt là về tín dụng, về vốn", Bộ trưởng Dũng nói.
Trước thực tế ở nhiều khu công nghiệp, công nhân phải đi thuê nhà rất nhiều trong khi các dự án nhà ở xã hội chưa chạm tới, người đứng đầu ngành xây dựng phân tích: "Hiện nay chính sách phát triển nhà ở xã hội chúng ta đang bắt đầu thực hiện. Làm nhà ở xã hội rất khó bởi lẽ không phải chúng ta có tiền để làm mà đây là tiền của xã hội. Làm nhà ở xã hội vừa phải đáp ứng chất lượng, vừa đáp ứng khả năng thanh toán của người nghèo nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng nhà nước lại đang khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều khu công nghiệp có nhà ở xã hội như Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… cho công nhân thuê, mua phù hợp với nhu cầu của người sử dụng".
Một lần nữa, Bộ trưởng Dũng tỏ ra tin tưởng dù hiện tại, nhà ở xã hội còn ít nhưng đã bắt đầu và sẽ được cải thiện khi nhà nước, xã hội và người dân vào cuộc.
An Nhiên (Tổng hợp)
0 nhận xét:
Post a Comment