Diễn biến trên thị trường cho thấy, giá nhà ở tăng nhẹ ở phân khúc chung cư diện tích nhỏ và đất nền ở những khu vực có hạ tầng tốt.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm thị trường bất động sản tiếp tục sôi động, niềm tin của người mua nhà đã dần được khôi phục. Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiết kiệm, mua bán vàng... đang dần kém hấp dẫn, khiến một số nhà đầu tư quay trở lại bất động sản.
Hơn 21.500 giao dịch thành công
Chỉ tính riêng trong tháng 7, thị trường bất động sản Hà Nội có khoảng 1.800 giao dịch thành công (tăng 3% so với tháng trước). Tính chung 7 tháng đầu năm, có 11.050 giao dịch thành công.
Xu hướng đầu tư bất động sản ngắn hạn nở rộ trở lại, phần nhiều là do thanh khoản tươi sáng của phân khúc căn hộ, trong đó phân khúc các căn hộ cao cấp có biên độ lợi nhuận lớn.
“Điều đáng nói là, xu hướng đầu tư ngắn hạn mặc dù có thể giúp thị trường sôi động, tạo sự khan hàng, cháy hàng trong thời gian ngắn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” rất lớn”, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến cáo.
Về giá bán, ghi nhận tại các dự án mới triển khai có vị trí đẹp, các dự án sắp hoàn thành bàn giao hoặc tại các dự án nhà ở đã xây xong, cho thấy giá chào bán tăng 4-6% so với giá ban đầu.
Ngoài ra, phân khúc nhà liền kề, biệt thự tại một số khu vực của thủ đô cũng tăng giá nhẹ, mức tăng giá chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp.
Tại Tp.HCM, tháng 7 có khoảng 1.750 giao dịch thành công (tăng 3% so với tháng trước). Tính chung 7 tháng qua có khoảng 10.500 giao dịch thành công (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ 2014). Trong các quý đầu năm 2015, loại hình nhà ở diện tích từ 27-50 m2, giá từ 750 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/căn đang có sức hút lớn với khách hàng. Loại hình này tập trung chủ yếu tại các khu vực quận 9, 12, Thủ Đức và huyện Nhà Bè.
Tuy nhiên, dù các căn hộ loại này đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người dân đô thị nhưng cơ quan quản lý chưa ủng hộ do lo ngại về việc gây quá tải cho hạ tầng thành phố. Diễn biến trên thị trường cho thấy, giá nhà ở tăng nhẹ ở phân khúc chung cư diện tích nhỏ và đất nền ở những khu vực có hạ tầng tốt. Phân khúc đất nền, biệt thự, nhà liền kề, có vị trí đi lại thuận tiện, được nhiều khách hàng đặt mua.
Như vậy, thị trường bất động sản phía Nam tiếp tục chứng kiến làn sóng những dự án từ cao cấp tới trung cấp và cả đất nền vùng ven đồng loạt được bung ra thị trường. Cơ hội cho người mua nhà được mở ra nhưng các chủ dự án cũng phải bước vào chu kỳ cạnh tranh khốc liệt.
Nhiều nguồn vốn đổ vào bất động sản
Cùng với lượng giao dịch tăng, tồn kho bất động sản có xu hướng giảm. Tính đến cuối tháng 7, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước còn khoảng 63.744 tỷ đồng, giảm 1.529 tỷ đồng so với tháng 6/2015.
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư 11.984 căn, tương đương 18.368 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 8.790 căn, tương đương 15.298 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở khoảng hơn 7,8 triệu m2 (khoảng 25.533 tỷ đồng); tồn kho đất nền thương mại hơn 1,6 triệu m2 (khoảng 4.545 tỷ đồng).
Riêng Hà Nội, giá trị tồn kho bất động sản còn 8.111 tỷ đồng (giảm 312 tỷ đồng so với 6/2015); Tp.HCM tồn kho còn 11.996 tỷ đồng (giảm 584 tỷ đồng so với 6/2015).
Từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở có hiệu lực cho phép người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh Việt Nam là được mua nhà, Việt kiều được mua nhà như người trong nước đã thu hút một lượng vốn ngoại chảy vào bất động sản. Không chỉ tại Tp.HCM, chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang cũng đang triển khai các dự án nhằm vào đối tượng này.
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, riêng kiều hối đã có 2,16 tỷ USD chuyển về Tp.HCM, trong đó khoảng 21,8% là đổ vào bất động sản, dự báo cả năm Tp.HCM sẽ đón nhận khoảng 5,3-5,5 tỷ USD.
Tính trên cả nước, mỗi năm có khoảng 12 tỷ USD kiều hối, nếu bình quân 20% lượng kiều hối đổ vào bất động sản thì mỗi năm chỉ riêng dòng vốn này thị trường đã hấp thụ khoảng 2,4 tỷ USD. Ngoài ra, vốn FDI vào bất động sản cũng có xu hướng tăng mạnh.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong số 17 lĩnh vực mà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm vào bất động sản là 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3%.
Như vậy, chỉ tính trong tháng 7, ngành bất động sản đã đón hơn 1,225 tỷ USD vốn FDI.
Với những diễn biến trên thị trường bất động sản 7 tháng vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, trong cả năm 2015, thị trường kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động với hàng loạt các dự án mới được khởi công cùng như hàng loạt dự án khác hoàn thiện và chào bán.
Theo VnEconomy
0 nhận xét:
Post a Comment