Giai đoạn 2014 - 2018, thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ 2 với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD.
Hôm nay (6/8), Diễn đàn M&A Việt nam 2015 với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ”, diễn ra tại Tp.HCM, sẽ đánh giá về các dòng vốn mới và xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay tại Việt Nam.
Điểm mặt các dòng vốn ngoại
Theo đánh giá của Nhóm nghiên cứu MAF, các xu hướng chính của thị trường M&A Việt Nam giai đoạn 2015-2016 và những năm tiếp theo vẫn tập trung vào một số ngành chủ đạo như: bán lẻ - hàng tiêu dùng, BĐS, tài chính –ngân hàng. Đáng chú ý là, thời gian tới, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan sẽ trở thành “kép chính” trong vai trò là bên mua lại các dự án, doanh nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore xâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua con đường M&A chủ yếu ở lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ. Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản lại “chuộng” các dự án BĐS nhiều hơn. Còn đối với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Bất Động Sản công nghiệp lại là ưu tiên lựa chọn hàng đầu trong các thương vụ M&A sắp tới. Ngoài ra, thị trường Bất Động Sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện một số quỹ đầu tư từ Mỹ thông qua hình thức tài trợ vốn, góp vốn…
Đánh giá về xu hướng này, một số nhà đầu tư Nhật Bản nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những triển vọng và tiềm năng phát triển, đặc biệt là môi trường đầu tư vào BĐS đang ngày một thông thoáng hơn, sẽ trở thành một điểm đến quan trọng thu hút thêm nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản trong những năm tới.
Chẳng hạn, thời gian qua một số doanh nghiệp địa ốc đã có sự hợp tác, liên doanh với các nhà đầu tư Nhật Bản như Nam Long, Thành Đông, An Gia, Khang Điền… Trong khi đó, địa ốc Hoàng Quân đã “săn” dòng vốn từ quỹ đầu tư GEM của Mỹ; tập đoàn Sao Mai An Giang cũng đang thương thuyết về khoản tài trợ vốn từ một quỹ đầu tư lớn của Mỹ lên đến 1.000 tỷ đồng cho các dự án sẽ đầu tư trong năm 2015-2016. Công ty Gamuda Land của Malaysia cũng đã chính thức chi ra hơn 1.400 tỷ đồng để mua lại toàn bộ cổ phần từ Sacomreal và Tập đoàn Thành Thành Công trong liên doanh phát triển Dự án Celadon City tại quận Tân Phú, để độc lập phát triển dự án này.
“Chúng tôi đang có chiến lược phát triển ngành chế biến ra các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất nếu so sánh về lợi thế cạnh tranh. Do vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản buộc phải đặt đại bản doanh lâu dài tại Việt Nam, chiến lược đầu tư vào thị trường BĐS để chuẩn bị cho xu thế này là điều tất yếu. Việt Nam đang có nền kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng cao, nguồn nhân lực có tay nghề tốt, chi phí đầu tư không cao như các nước lân cận…nên đây là điểm đến hấp dẫn nhất so với các nước khác trong khu vực”, ông Nakajima Satoshi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Tp.HCM cho biết.
Nhà đầu tư ngoại săn tìm gì trên thị trường BĐS?
Còn theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần StoxPlus, quá trình cổ phần hóa những DN lớn và tốt từ nay đến năm 2016 sẽ tạo hiệu quả cao cho đón sóng M&A. Bên cạnh dó, khi Chính phủ bắt đầu giám bớt phần sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước, những tài sản đó sẽ được tung ra ngoài và tạo ra những giao dịch quy mô quan trọng trên thị trường.
Ngoài ra, khi các bộ luật và chính sách được điều chỉnh, thay đổi hạng định sở hữu của nước ngoài trong các công ty, ngân hàng Việt Nam, sự phát triển của ngành bán lẻ, các rào cản thương mại khi Việt Nam gia nhập các hiệp định song phương và đa phương sẽ là những động lực thúc đẩy cho làn sóng M&A thứ hai diễn ra chỉ trong vòng 2 năm tới.
Ông Toshifumi Iwaguchi, Giám đốc điều hành công ty Recof Nhật Bản, cho rằng các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật bản đang mở rộng trên rất nhiều lĩnh vực, nhưng nhìn tổng thể, số thương vụ mua lại (nắm giữ lượng lớn cổ phần), tham gia góp vốn – nâng tỷ lệ sở hữu (nắm giữ lượng nhỏ cổ phần) đang ngày một gia tăng và không hề có giới hạn. “Đây chính là một làn sóng đầu tư theo hướng M&A mới vào Việt Nam mà không chỉ riêng Nhật Bản, mà các nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Đức… đang có nhiều bước đi chiến lược như thế”, ông Toshifumi nói thêm.
Trao đổi với phóng viên chiều ngày 5/8, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc công ty TNHH CBRE Việt Nam, khẳng định rằng các nhà đầu tư đến từ những quốc gia trên sẽ tăng cường mạnh mẽ các thương vụ M&A BĐS trên hai phân khúc, đó là văn phòng cho thuê và dự án nhà ở trung – cao cấp.
Theo đó, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không ngừng gia tăng trong thời gian tới, lĩnh vực văn phòng cho thuê dài hạn đang trở nên rất hấp dẫn vì sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lâu dài. Do vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn săn tìm các dự án tòa nhà văn phòng lớn để mua lại và tái hoạt động.
“Đối với phân khúc nhà ở, vì nhu cầu mua nhà tại Việt Nam đang rất lớn nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ráo riết săn tìm những dự án có vị trí tốt, sinh lời nhanh để hợp tác liên doanh hoặc mua đứt 100%. Theo quan sát của chúng tôi, các dự án có giá hợp lý, pháp lý rõ ràng nằm dọc theo các tuyến metro, đường cao tốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc mua bán”, ông Marc Townsend nhấn mạnh.
Ông Võ Minh Hoàng, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Tiến Phát, bổ sung thêm: “Nay thị trường BĐS phục hồi tốt đi kèm với nhiều chính sách thông thoáng, cũng là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài quay lại với các dòng vốn chất lượng hơn. Thường là họ kết hợp góp vốn với các nhà đầu tư nội địa đã có quỹ đất, dự án sẵn để đầu tư, bởi vì họ cần một đối tác Việt Nam am hiểu thị trường, pháp lý vững vàng. Ngược lại, doanh nghiệp BDS của chúng ta cũng cần kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm, các chuẩn mực phát triển dự án mới của nước ngoài để đầu tư dự án cạnh tranh hơn. Do đó sắp tới dòng vốn M&A vào Việt Nam sẽ cực lớn”.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ
0 nhận xét:
Post a Comment